Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản ”Tuyên ngôn Độc lập” ngày 02/9/1945. (Ảnh: Tư liệu) |
Bản Tuyên ngôn khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập. Tuyên ngôn độc lập không chỉ khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Bởi khát vọng, tinh thần và ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam; vì một nước Việt Nam thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành hiện thực sinh động.
Tuyên ngôn độc lập - bản “khai sinh” nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - đã đưa tên đất nước Việt Nam trở lại bản đồ chính trị thế giới được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo tại ngôi nhà của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô (48 Hàng Ngang, Hà Nội) vào đêm 28/8/1945. Văn kiện lịch sử này không chỉ được Người trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng, các thành viên trong Chính phủ lâm thời, trong quần chúng nhân dân, mà còn được tham khảo ý kiến của A. Patti - đại diện cho quân Đồng minh.[1] Là văn bản pháp lý hiện đại, mang một giá trị đặc biệt, Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngắn gọn và súc tích, bao gồm:
Một là, trong phần đầu tiên của Tuyên ngôn độc lập[2], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn để luận về cơ sở đạo lý, pháp lý về quyền con người, quyền dân tộc của Tuyên ngôn độc lập năm 1776 (Hoa Kỳ) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 (Pháp) và khẳng định đó là những đóng góp quan trọng vào sự phát triển tư tưởng của nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc. Cụ thể, Người dẫn: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”, để từ đó khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ “những lẽ phải không ai chối cãi được” này, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam cũng đều có những quyền chính đáng ấy mà không ai có thể tước đoạt hay xâm phạm; đồng thời cũng khẳng định rằng vì những quyền không thể xâm phạm được đó mà nhân dân Việt Nam đã kiên cường, đoàn kết, kiên trì chiến đấu để giành lại từ tay kẻ thù.
Hai là, ở phần tiếp theo của Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp và việc thực dân Pháp đã đầu hàng phát xít Nhật: “Hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa… Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật” và nhấn mạnh rằng “chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã “bán” nước ta hai lần cho Nhật”, mà còn khẳng định, vì độc lập và tự do, nên khi “nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng Minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Vì thế, “sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”.
Ba là, cũng trong Tuyên ngôn, trước công luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định vai trò của Việt Minh trong cuộc đấu tranh chống quân Nhật, thực thi chính sách nhân đạo và “bảo hộ” người Pháp sau khi bị Nhật hất cẳng, mà còn nhấn mạnh rằng dân tộc Việt Nam kiên cường đấu tranh, gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít và đã giành lại độc lập, tự do từ tay phát xít Nhật. Đó chính là, “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Cho nên, trong Tuyên ngôn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”; đồng thời nhấn mạnh, “các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
Lịch sử thế giới hiện đại chắc chắn không thể thiếu một sự kiện chính trị quan trọng, đó chính là, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Đồng thời, lịch sử cũng ghi nhận, “nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” thì tất yếu phải “có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.
Bốn là, phần cuối của Tuyên ngôn chính là lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể nhân dân Việt Nam với phát xít Nhật, thực dân Pháp (đang âm mưu quay trở lại xâm lược Việt Nam), quân Đồng minh và với thế giới rằng: “Toàn dân Việt Nam trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp” và “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời thề vì độc lập, tự do của cả dân tộc trong bản Tuyên ngôn đó không chỉ là minh chứng, mà còn là một mốc son mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh lịch sử và hành trình kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Đây cũng chính là sự đúc kết cô đọng nhất hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam ta; đồng thời, đưa những “thần dân” Việt Nam, những “nô lệ” An Nam trở thành chủ nhân của nước Việt Nam độc lập.
Giá trị trường tồn của Tuyên ngôn độc lập là không thể phủ nhận
Tuyên ngôn độc lập là kết tinh tâm nguyện, tư tưởng, kết quả hành trình tìm đường cứu nước từ Nguyễn Ái Quốc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự thống nhất giữa tư tưởng và những nỗ lực không mệt mỏi, những quyết định chính xác, kịp thời của Người trong đấu tranh cách mạng và thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam; thể hiện tầm tư duy khoa học sắc sảo, độc đáo của Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất được UNESCO vinh danh.
Tuyên ngôn độc lập không chỉ có vai trò, ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng trong việc hợp pháp thành quả giành chính quyền trong cả nước của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà còn kịp thời tuyên bố trước công luận Chính phủ lâm thời do Người đứng đầu là một chính phủ hợp pháp (với vị thế của những người làm chủ đất nước có đủ tư cách đón tiếp quân Đồng minh vào Việt Nam) sau đó không lâu. Nếu để chậm một vài ngày thôi thì cơ hội này sẽ không bao giờ trở lại. Tuyên ngôn cũng không chỉ khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, mà còn kết tinh biết bao máu xương, nước mắt của các thế hệ người dân Việt Nam yêu nước, đồng thời cũng chứng minh rằng: Với đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, biết tạo dựng thế và lực; biết chớp đúng thời cơ, tranh thủ, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nhân dân Việt Nam đã vùng lên lật đổ ách thống trị, thủ tiêu toàn bộ chế độ thực dân, phong kiến và tên đất nước Việt Nam đã hòa mình vào dòng chảy chung của “bản đồ chính trị thế giới”.
Vì thế, Tuyên ngôn không chỉ góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mà còn là minh chứng cho thấy cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng “đã chứng minh rằng không thể có sự chung sống và hoà hợp giữa người dân thuộc địa và bọn thực dân. Để giành lại nhân phẩm, giành lại bản sắc dân tộc đã bị tha hoá, tất cả các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa phải dùng bạo lực cách mạng đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân”[3]. Đồng thời, cũng cho thấy rằng lịch sử nhân loại ghi nhận lần đầu tiên xuất hiện tuyên ngôn về sự ra đời một nhà nước kiểu mới do Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc lãnh đạo. Vì thế, về bản chất, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khác mà còn đối lập về nguyên tắc với các bản tuyên ngôn của nhà nước tư sản trong tiến trình lịch sử.
Đặc biệt, với những bổ sung, phát triển tư tưởng quyền con người thành quyền của một dân tộc/của tất cả các dân tộc cần/phải/được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc, có thể thấy Tuyên ngôn độc lập là sự tiếp biến và vượt gộp tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền của các dân tộc. Tư tưởng đó của Người mang hơi thở thời đại, phản ánh xu thế tất yếu của thời đại - thời đại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển và tôn trọng luật pháp quốc tế; trong đó mọi người, mọi dân tộc đều có “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và nếu bị tước đoạt/xâm phạm thì cần phải đấu tranh để giành lại. Vì thế, có thể nói Tuyên ngôn độc lập không chỉ là tuyên bố trước thế giới về sự ra đời của một nước Việt Nam “mới”- độc lập, tự do mà còn là một tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh vì một sự giải phóng hoàn toàn khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.
Từ Ba Đình lịch sử 78 năm trước, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vang vọng khắp non sông, đất nước cho đến mãi muôn đời sau, mà còn trở thành nguồn sức mạnh nội lực nâng bước toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam kiên cường đấu tranh, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; chống Mỹ, cứu nước cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc của Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội những thập niên sau đó. Trên hành trình hướng đến tương lai tươi sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, có thể thấy nguồn sức mạnh của tinh thần, ý chí độc lập, tự do được trao truyền suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; những thành tựu, những bài học kinh nghiệm lịch sử trong cuộc cách mạng giải phóng vì “nền độc lập của đất nước, là việc thiết lập một chế độ nhân dân nhằm chấm dứt tình trạng bóc lột và suy đồi do chế độ thực dân nuôi dưỡng”[4] được khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập cũng sẽ tiếp tục cổ vũ nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, trường tồn.
Chào đón mọi cơ hội và thuận lợi, đối diện và hóa giải mọi thử thách, một đất nước Việt Nam hồi sinh sau bao mất mát, hy sinh trong những năm dài chiến tranh càng trân trọng hơn giá trị của độc lập, tự do; nhân dân Việt Nam càng quyết tâm và nỗ lực hơn để xây dựng, bảo vệ một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Vì thế, thế giới có thể đổi thay, song âm hưởng và hào khí của Tuyên ngôn độc lập vẫn sẽ mãi vang vọng; ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực của văn bản pháp lý đặc sắc này cũng sẽ vẫn trường tồn./.
Nguồn: dangcongsan.vn