TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô chia sẻ tại buổi đối thoại. 

Đó là lưu ý của chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Thúy Nga khi trả lời câu hỏi của học sinh về chứng chỉ ngoại ngữ có phải là lợi thế của thí sinh trong xét tuyển đại học hay không tại chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Luật - Kinh tế” được tổ chức tại trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên, Hà Nội sáng 20/4. 

Chuyên gia tư vấn 5 bước chọn ngành nghề phù hợp với bản thân

Trả lời câu hỏi làm thế nào để lựa chọn ngành, nghề phù hợp, đúng xu hướng, TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thành Đô chia sẻ: Tại thời điểm này, hầu hết các học sinh đã có định hướng ngành nghề của mình. Tuy nhiên, cũng sẽ có những bạn học sinh còn đắn đo giữa các ngành nghề đang lựa chọn.

“Có bạn sẽ vừa muốn làm luật sư, vừa muốn làm giám đốc doanh nghiệp… Hai ngành này đều "hot", có tỉ lệ tốt nghiệp trên 90%. Đặc biệt, nhóm ngành kinh tế có rất nhiều lựa chọn càng khiến các em đắn đo”, TS Nguyễn Thúy Vân chia sẻ, đồng thời đưa ra 5 bước chọn nghề: Các em cần sắp xếp thứ tự ngành nghề mình yêu thích; xác định thế mạnh bản thân.

Theo TS Nguyễn Thuý Vân, phần lớn các em học sinh trên địa bàn huyện Phú Xuyên có điểm mạnh là phần lớn theo học khối A. Trong khi hiện nay, phần lớn các trường sử dụng kết quả xét tuyển học bạ đều có môn Toán nên đây sẽ là thế mạnh cho các em khi lựa chọn học các ngành Kinh tế và Luật.

Thứ ba, các em cần tìm hiểu các doanh nghiệp đang tuyển dụng các vị trí nào đối với ngành nghề mình theo học; xu hướng và nhu cầu tuyển dụng của xã hội.

Thứ tư, các em phải căn cứ vào điều kiện kinh tế gia đình để chọn ngành nghề cho phù hợp. Bởi muốn học kinh tế, muốn đi du học nhưng điều kiện gia đình có hạn thì cũng rất khó thực hiện. Hiện trong nước có nhiều trường chất lượng, đào tạo chuyên môn sâu nên các em cũng sẽ có rất nhiều cơ hội chọn ngành học phù hợp với sở thích và điều kiện gia đình.

“Cuối cùng người quyết định là các em. Mong các em chọn đúng ngành, đúng nghề và đi đúng hướng”, TS Nguyễn Thuý Vân nhấn mạnh.

Chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Đại học Hoàng Thúy Nga sẻ tại buổi đối thoại.

Chọn ngành trước khi chọn trường

Tham gia chương trình, nhiều em học sinh đã gửi câu hỏi liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ - một trong những tiêu chí tuyển sinh phổ biến tới chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT Hoàng Thúy Nga. Thông tin cụ thể về chứng chỉ này, bà Hoàng Thúy Nga nhấn mạnh: Hiện nay, các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển đại học khác nhau, với khoảng 20 phương thức xét tuyển. Và xét tuyển đại học có yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ là một trong nhiều phương thức xét tuyển của các nhà trường.

“Với xu thế phát triển hiện nay, ngoại ngữ trở thành một hành trang vô cùng quan trọng cho các em trên con đường học tập. Các em nên học ngoại ngữ thật tốt để gia tăng cơ hội cho bản thân. Tuy nhiên, các em không nên vì chứng chỉ ngoại ngữ mà bỏ qua những môn học khác. Chúng ta cần chú ý học đều, học tốt tất cả các môn” - bà Nga nói.

Trả lời băn khoăn của thí sinh về cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học gia tăng cơ hội trúng tuyển, tránh những sai lầm đáng tiếc, bà Hoàng Thúy Nga đã có nhiều lời tâm huyết dành cho các em.

Học sinh Trường THPT Đông Quan đặt câu hỏi tới các chuyên gia. 

Chọn ngành trước khi chọn trường cũng là điều bà Hoàng Thúy Nga nhấn mạnh đến thí sinh. “Các em phải định hướng rõ bản thân đam mê cái gì, yêu thích cái gì từ đó đưa ra lựa chọn cho bản thân. Có học sinh đăng ký 10 nguyện vọng vào 10 ngành khác nhau. Như vậy là bản thân học sinh đó chưa định hướng rõ sở trường năng lực của mình. Các em hãy chọn ngành để làm sao sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, bản thân rất mong muốn được làm công việc đó” - bà Nga trao đổi.

Cũng trả lời câu hỏi học sinh liên quan đến trình độ tiếng anh và cơ hội việc làm, TS Đỗ Thị Vân Dung, Phó trưởng Khoa Kinh tế Đô thị, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho hay, từ thực tế triển khai tổ chức cho các doanh nghiệp đến trường tuyển dụng, cử nhân quản trị kinh doanh giỏi tiếng Anh và không giỏi tiếng Anh sẽ khác nhau về mức lương. Từ đó, TS Nguyễn Thuý Vân khuyên các em học tiếng Anh để sử dụng được trong giao tiếp và làm việc để có được nguồn thu nhập cao trong cuộc sống.

Cũng tại chương trình, nhiều câu hỏi liên quan đến lựa chọn ngành, nghề phù hợp, đúng xu hướng,... cũng đã được các chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học có mặt tại chương trình giải đáp cụ thể, chi tiết.../.

 
Theo Trung Anh đăng tại dangcongsan.vn