ĐẢNG BỘ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

27/06/2025 10:42

Quốc hội thông qua Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) và đổi mới sáng tạo

Sáng 27/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) và đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những dự án luật quan trọng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.

 
Quốc hội thông qua Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) và đổi mới sáng tạo

Luật này quy định về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; chính sách, biện pháp bảo đảm phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Xác lập nguyên tắc chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Luật quy định rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được chấp nhận theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm có biện pháp quản trị rủi ro phù hợp.

Việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo được quy định như sau:

Tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo được loại trừ trách nhiệm hành chính, miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định trong quá trình triển khai thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo và không có hành vi gian lận, cố ý vi phạm pháp luật, không sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí.

Tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí hợp pháp khác của đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí của doanh nghiệp nhà nước không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng đúng mục tiêu, phạm vi nếu đã tuân thủ đầy đủ quy định quản lý nhiệm vụ, quy trình thực hiện, nội dung nghiên cứu, biện pháp phòng ngừa rủi ro nhưng kết quả của nhiệm vụ không đạt được mục tiêu đề ra.

Tổ chức, cá nhân phê duyệt và quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí hợp pháp khác của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc kinh phí của doanh nghiệp nhà nước được loại trừ trách nhiệm hành chính, miễn trách nhiệm dân sự nếu đã tuân thủ đầy đủ quy định, quy trình về phê duyệt, quản lý nhiệm vụ và không có hành vi vi phạm pháp luật nhưng kết quả của nhiệm vụ không đạt được mục tiêu đề ra.

Loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Luật giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định rủi ro được chấp nhận, quy trình đánh giá việc tuân thủ quy trình, quy định trong phê duyệt, quản lý, thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thiết lập khuôn khổ pháp lý cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Luật quy định, thử nghiệm có kiểm soát là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, doanh nghiệp triển khai thử nghiệm đối với công nghệ, quy trình, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới mà pháp luật chưa có quy định hoặc khác với quy định của pháp luật hiện hành, trong điều kiện thực tế có giới hạn về phạm vi, thời gian, không gian.

Việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát phải bảo đảm các nguyên tắc: Công khai, minh bạch về tiêu chí, điều kiện, quy trình đánh giá lựa chọn; Bình đẳng giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đề xuất, đăng ký và thực hiện quyền, trách nhiệm trong quá trình thử nghiệm có kiểm soát; Đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, bảo vệ quyền lợi người tham gia thử nghiệm; Lựa chọn phạm vi, thời gian, không gian để hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội.

Thời hạn cho phép thử nghiệm có kiểm soát được xác định trên cơ sở đề xuất của tổ chức, doanh nghiệp nhưng không quá 03 năm và có thể được gia hạn 01 lần không quá 03 năm.

Việc thực hiện thử nghiệm có kiểm soát phải được sơ kết, tổng kết để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng thử nghiệm có kiểm soát hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chính thức.

Trong quá trình thử nghiệm có kiểm soát, trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro, việc miễn, loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm có kiểm soát được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

Cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm có kiểm soát; tổ chức, cá nhân trực tiếp, tham gia thẩm định, cấp phép, đánh giá thử nghiệm có kiểm soát được miễn, loại trừ các trách nhiệm khi đã thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về thử nghiệm có kiểm soát tại Luật này và quy định của pháp luật về thử nghiệm có kiểm soát, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, trừ trường hợp đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro đối với quá trình thử nghiệm có kiểm soát nhưng không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Các trách nhiệm được miễn, loại trừ bao gồm: Miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác trong quá trình thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá thử nghiệm có kiểm soát; Loại trừ trách nhiệm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép tiến hành thử nghiệm có kiểm soát, cá nhân thực hiện thử nghiệm có kiểm soát được miễn, loại trừ trách nhiệm khi đã thực hiện đúng, đầy đủ các quy định tại Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nguy cơ rủi ro phát sinh trong quá trình thử nghiệm có kiểm soát và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Các trách nhiệm được miễn, loại trừ bao gồm: Miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, nhưng phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho tổ chức, cá nhân khác trong quá trình thử nghiệm có kiểm soát; Loại trừ trách nhiệm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Luật có nhiều điểm mới đáng chú ý khác như: Quy định tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được áp dụng cơ chế đặc biệt trong việc chỉ định và chi trả cho chuyên gia, mua trực tiếp theo giá thỏa thuận công nghệ, sản phẩm để giải mã công nghệ trong phát triển công nghệ chiến lược, mua bí quyết công nghệ.

Luật quy định “Tổng công trình sư” là cá nhân có uy tín và năng lực vượt trội, được trao quyền điều phối toàn diện các chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chiến lược, có quy mô lớn; có cơ chế đặc biệt về đãi ngộ và quyền chủ động nguồn lực tạo điều kiện phát huy tối đa vai trò dẫn dắt chuyên môn trong các chương trình, nhiệm vụ…/.

Nguồn: https://dangcongsan.vn