ĐẢNG BỘ KHỐI ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

17/04/2024 10:57

Không để lọt vào Trung ương người giàu bất thường, nói nhiều làm ít

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban cho ý kiến về một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề quan trọng được người đứng đầu Đảng tổng kết, gợi mở để làm tốt nhiệm vụ "then chốt" của "then chốt" vì có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển, vững mạnh của đất nước.

Vận nước liên quan đội ngũ cán bộ cấp chiến lược

Mở đầu bài phát biểu, Tổng Bí thư nêu rõ, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Cũng theo Tổng Bí thư, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng, là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc.

 

Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ. Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược

Chính vì vậy, theo Tổng Bí thư, cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.

khong de lot vao trung uong nguoi giau bat thuong, noi nhieu lam it hinh anh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban, ngày 13/3

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ trong mấy chục năm qua là nhân tố hàng đầu quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. 

Giữ cán bộ đức – tài, loại người cơ hội

Từ thực tế trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước trong thời gian tới, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương khoá XIV, bảo đảm thành công của Đại hội và thắng lợi trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội.

“Đây là công việc vô cùng quan trọng” – Tổng Bí thư nói, đồng thời nhấn mạnh đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, chính đáng của toàn Đảng, toàn dân.

Cũng theo Tổng Bí thư, để chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Từ đó, Tổng Bí thư gợi mở các yêu cầu liên quan đến xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Uỷ viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu. Bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục.

Việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV phải thật sự là những cán bộ tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.

“Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và nhấn mạnh “kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn”.

Song, Tổng Bí thư cũng lưu ý, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIV những người có một trong các khuyết điểm sau:

Thứ nhất, là bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh

Thứ hai, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình

Thứ ba là người để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị

Thứ 4 là cán bộ không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút

Thứ 5 là kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính

Và thứ sáu là người vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, cùng với việc xác định rõ và nắm vững yêu cầu, tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, phải tính toán, quy định rõ cơ cấu, số lượng Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng. “Nhưng không nhất thiết lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có người tham gia Ban Chấp hành Trung ương nếu không đủ tiêu chuẩn; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”.

Từ những phân tích, gợi mở trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan, mà trước hết là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, phải dày công chuẩn bị, phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ "then chốt" của "then chốt”.