Kỷ nguyên thường được hiểu là một thời kỳ lịch sử trong tiến trình phát triển của quốc gia dân tộc mà ở đó các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược được hoàn thành, được đánh dấu bằng những sự kiện tạo ra bước ngoặt vận động, mở ra trang sử mới. Mỗi kỷ nguyên, trước hết, do các yếu tố trong nước quyết định; đồng thời, chịu sự tác động của các chuyển động mang tính thời đại diễn ra trên thế giới.
Kỷ nguyên độc lập, tự do
Đối với Việt Nam, một kỷ nguyên mới đã được mở ra năm 1945. “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do”, như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vạch rõ[1]. Từ một thuộc địa không có tên trên bản đồ thế giới, một chế độ phong kiến lạc hậu ở phương Đông, Việt Nam tuyên ngôn với toàn thế giới vị thế là quốc gia độc lập có chủ quyền, một chế độ của nhân dân lao động. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khắc họa kỷ nguyên mới huy hoàng của dân tộc trong bản Tuyên ngôn độc lập: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”[2].
Ảnh minh họa, nguồn VOV |
Để giữ vững độc lập, tự do trong kỷ nguyên mới, quân và dân Việt Nam đã phải tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, chiến đấu gian khổ, hy sinh to lớn và thắng lợi vẻ vang trước các thế lực thực dân, đế quốc đầu sỏ và phản động quốc tế; đồng thời, phải nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đến mùa Xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của kỷ nguyên độc lập, tự do đã được hoàn thành trọn vẹn. Thắng lợi của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa vĩ đại đổi với quốc gia dân tộc, mà còn mang tầm vóc thời đại cao cả, thời đại của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Kỷ nguyên đổi mới và phát triển
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) khởi xướng đường lối và ngay sau đó là công cuộc đổi mới đất nước nhằm khắc phục những hạn chế, sai lầm cả về lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội và đưa đất nước đi lên. Với dũng khí nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng quy luật khách quan, bám sát điều kiện cụ thể, hàng loạt chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… đúng đắn, phù hợp đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Nhờ vậy, chỉ sau 10 năm (1986 - 1996), Việt Nam đã khắc phục được khủng hoảng, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa và bước vào thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngay trong bối cảnh không còn Liên Xô, không còn hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới.
Đến năm 2010, với thu nhập bình quân đầu người vượt mốc 1.000 USD/năm, Việt Nam ra khỏi tình trạng chậm phát triển, đứng vào danh sách các nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Sự kiện này chấm dứt hàng trăm, hàng nghìn năm nghèo nàn, lạc hậu, mở ra trang sử mới về chất cho quốc gia dân tộc Việt Nam. Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới, một trong 20 thị trường ngoại thương lớn nhất toàn cầu, quốc gia hàng đầu về Chỉ số phát triển con người (HDI), về đổi mới sáng tạo… trong nhóm các nước cùng trình độ phát triển kinh tế; đã là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, chủ động trong cộng đồng quốc tế; đã trở thành dẫn chứng không thể thiếu trên nhiều lĩnh vực phát triển của thế giới ngày nay. Chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, vị thế, sức mạnh và uy tín quốc tế như ngày nay[3].
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Thành tựu mang tầm vóc thời đại của kỷ nguyên độc lập, tự do và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của kỷ nguyên đổi mới và phát triển tạo ra tiền đề vững chắc cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã vạch ra mục tiêu vươn mình đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Có nhiều tiêu chí để xác định trình độ của một quốc gia phát triển. Theo chuẩn hiện hành, thế giới ngày nay có 38 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) được xem là các nước phát triển, bao gồm các nước G7, các nước công nghiệp hóa mới và một số quốc gia khác có nền sản xuất công nghiệp hiện đại[4]. Để trở thành quốc gia phát triển, trước hết phải là một nước công nghiệp hóa, có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, xã hội hiện đại, văn minh và thu nhập bình quân tính theo đầu người ở mức cao, trên 12.050 USD/năm.
Việc vạch ra mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao là có đầy đủ căn cứ. Đó là sức mạnh tổng hợp quốc gia được tạo ra từ các thời kỳ trước, nhất là trong quá trình đổi mới. Đó là kinh nghiệm của các nước đi trước, chỉ trong vòng 2-3 thập kỷ công nghiệp hóa thành công họ đều trở thành các quốc gia phát triển. Đó là cơ hội mới do bước ngoặt vận động của thế giới đem lại cho các nước đi sau có thể về đích sớm. Đó là động lực tinh thần to lớn của hơn 100 triệu người Việt Nam quyết tâm thực hiện khát vọng Hồ Chí Minh xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”…
Những chiến lược cần thiết, cấp bách
Tầm nhìn và mục tiêu vươn mình của dân tộc đã sáng tỏ, vấn đề đặt ra là phải kịp thời có các chiến lược thực hiện kịp thời, khả thi.
Trước hết là chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh đã xuất hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Công nghiệp hóa là nội dung cốt lõi của phát triển và hiện đại hóa ngày nay, quyết định trình độ phát triển của mỗi quốc gia dân tộc; đồng thời, tạo ra các tiền đề cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Các nhà kinh điển đã từng khẳng định, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể chiến thắng, suy cho cùng, bằng năng suất lao động và trình độ xã hội hóa lực lượng sản xuất, đều do công nghiệp hóa tạo ra.
PGS TS Nguyễn Viết Thảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: VOV) |
Do nhiều nguyên nhân, Việt Nam không có điều kiện tham gia ba cuộc cách mạng công nghiệp trước kia; bởi vậy, các chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay phải tích hợp đáp ứng các yêu cầu đa dạng của ba trình độ sản xuất công nghiệp đã qua là cơ khí hóa, điện khí hóa và tin học hóa; đồng thời, phù hợp với trình độ số hóa của nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Mặt khác, thế giới ngày nay về cơ bản là một thị trường tự do toàn cầu, được cấu tạo và vận hành bởi chuỗi giá trị toàn cầu, không còn nhiều ranh giới, khác biệt giữa thị trường quốc nội và thị trường quốc tế. Bởi vậy, các mô hình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, hướng xuất khẩu hoặc hỗn hợp vừa hướng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu đều không còn chỗ đứng. Việt Nam cần hoạch định chiến lược đúng đắn, trong đó phải sáng rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp, xác định trúng những mũi nhọn công nghiệp hóa của đất nước.
Thứ hai là chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trước kia, Đảng đã xác định đường lối tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Ngày nay, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhất thiết phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Không quốc gia nào trở thành quốc gia phát triển mà không có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ở trình độ cao. Việt Nam phải có một số mũi nhọn khoa học công nghệ, nhất là khoa học ứng dụng và năng lực đổi mới sáng tạo. Tập trung vào một số mũi nhọn gì cụ thể? Đây là vấn đề cơ bản nhất, cần nghiên cứu thận trọng nhưng phải xác định kịp thời.
Thứ ba là chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Phát triển nhanh đòi hỏi tốc độ cao trong tăng trưởng kinh tế, gia tăng sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phát triển bền vững đòi hỏi hiệu quả và năng suất lao động cao, không tăng đầu tư, nguyên nhiên vật liệu, lao động… nhưng vẫn tăng nhanh sản lượng, chất lượng; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường sinh thái lấy tăng trưởng kinh tế. Phát triển nhanh cần hệ thống chủ trương, chính sách riêng biệt và phát triển bền vững cũng cần hệ thống chủ trương, chính sách riêng biệt khác. Bởi vậy, cần có chiến lược phát triển nhanh và bền vững để kết hợp hai hệ thống chủ trương, chính sách ấy trong một chỉnh thể thống nhất, hài hòa.
Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, gần nhất là lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930, toàn Đảng, toàn dân rất đỗi tự hào về những thắng lợi vẻ vang, trong đó có không ít kỳ tích vươn mình, biến điều tưởng như không thể trở thành có thể. Thế giới ngày nay vừa khâm phục Việt Nam Anh hùng trong chiến tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới; vừa trân trọng Việt Nam đổi mới thành công, đem lại cho quốc gia dân tộc nhiều bước tiến vượt bậc, trở thành dẫn chứng sinh động cho các quốc gia đang phát triển vươn lên những tầm cao mới. Phía trước, có nhiều thuận lợi, cơ hội cùng những khó khăn, thách thức đan xen, nhưng một kỷ nguyên mới đã mở ra, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam tới tầm cao của quốc gia phát triển, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.
[1]https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-2011-1528
[2] https://vietnamnet.vn/toan-van-ban-tuyen-ngon-doc-lap-771240.html
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr.104
[4] https://www.oecd.org/en/about/members-partners.html
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (đăng tại dangcongsan.)