ĐẢNG BỘ KHỐI ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

12/12/2024 10:14

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay

Ngày 11.12, Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm "Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay". Các chuyên gia tham dự đều đồng tình, ủng hộ chủ trương lớn này và đề xuất, kiến nghị một loạt giải pháp thực thi, triển khai.

Dự tọa đàm có 3 khách mời gồm: TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; và ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư.

TINH GỌN KHÔNG CHỈ DỪNG Ở CƠ HỌC

TS Đinh Duy Hòa góp ý việc tinh gọn là hết sức cần thiết nhưng không nên chỉ dừng ở mức cơ học về mặt con người và tổ chức mà phải có sự thay đổi về bản chất bên trong. Phải xác định lại chức năng, nhiệm vụ một cách dài hơi - không chỉ với các đơn vị mới sau khi sáp nhập, mà với cả những đơn vị không thuộc diện này. Đơn cử, mỗi bộ trước khi sáp nhập có 100 đầu việc, khi sáp nhập 2 bộ thì tổng số đầu việc là 200. Nếu rà soát kỹ thì có thể xác định được 50 đầu việc lẽ ra không phải làm, từ đó giảm được số lượng cán bộ phục vụ cho 50 đầu việc này.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay- Ảnh 1.

Các chuyên gia nhận định cần có kế hoạch, chính sách thấu đáo cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống

Việc xác định chức năng, nhiệm vụ không chỉ giúp giảm đầu việc mà quan trọng hơn là định hình tổ chức bộ máy. Dẫn kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 18 Hội nghị T.Ư 6 khóa XII về thí điểm nhập các ban Đảng với các sở tương ứng ở cấp tỉnh (ban tổ chức tỉnh ủy - sở nội vụ, ủy ban kiểm tra - thanh tra tỉnh), ông Hòa nói ngay từ đầu "đã thấy không ổn". Vì thế, lần tinh gọn này phải tránh cứng nhắc, không phải cứ vì gọn đầu mối mà sáp nhập một cách thuần túy. Như việc dự kiến sáp nhập Học viện Hành chính vào Học viện Chính trị quốc gia, năm 2014 từng thực hiện nhưng rồi sau đó lại tách. Ông Hòa cho rằng đào tạo cán bộ, công chức là hoạt động rất cần thiết của Chính phủ và vì vậy cần được thực hiện bởi một tổ chức nhà nước, chứ không nên giao cho một tổ chức của Đảng thực hiện. 

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính cũng đề nghị cần phải định hình rõ tổ chức, bộ máy hoạt động sau tinh gọn. Lấy ví dụ ở Đức hoặc Nhật Bản, một bộ chuyên ngành gồm 6 - 10 đơn vị cấp vụ, trong các vụ có rất nhiều phòng. Còn ở VN, chủ trương là không tổ chức cấp phòng trong cấp vụ, vì thế một bộ chuyên ngành có thể có tới hơn 20 đơn vị cấp vụ. "Tưởng là gọn nhưng lại phình ra", do đó phải đánh giá lại vấn đề này, theo ông Hòa.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay- Ảnh 2.

Nhà báo Trần Việt Hưng (Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên), TS Đinh Duy Hòa thảo luận tại tọa đàm "Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay" do Báo Thanh Niên tổ chức

Cho rằng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là cần thiết để tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, TS Nguyễn Sĩ Dũng đề nghị việc sắp xếp cần dựa trên nguyên tắc phân định giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ. Ông nói tình trạng lẫn lộn giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ gây ra tình trạng chồng chéo, trùng lắp hiện nay.

"Thành thử ông bộ trưởng của mình bận trên trời dưới đất vì vừa làm chính khách vừa phải điều hành. Ông bộ trưởng người ta cuối tuần có thể đi chơi golf vì ông ta chỉ hoạch định chính sách và giám sát chính sách ấy có đạt được mục tiêu không, còn điều hành là của ông quốc vụ khanh - người điều hành bộ máy công vụ", ông Dũng phân tích, và cho rằng nếu bộ trưởng của bộ mới được nhập từ hai bộ KH-ĐT và Tài chính mà không phân định rõ chức năng nhiệm vụ giữa cơ quan tham mưu và cơ quan nắm giữ quyền lực công thì "áp lực cho ông bộ trưởng khủng khiếp luôn".

Với tổ chức Quốc hội, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cũng nên tinh gọn nhưng không phải là giảm số đại biểu Quốc hội vì không có nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, cần cắt giảm các khâu phục vụ hay bộ phận không có nhu cầu như chế độ lái xe cho các ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách hay hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện nay… "Bỏ chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách trong các ủy ban, chỉ còn đại biểu chuyên trách là đúng. Nhưng phải có cơ chế chính sách để có người tài cho hoạt động của Quốc hội", ông Dũng góp ý.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay- Ảnh 3.

TS Nguyễn Sĩ Dũng thảo luận tại tọa đàm "Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay" do Báo Thanh Niên tổ chức

TS Dũng cũng đề nghị nên đánh giá thêm về chủ trương chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về các ủy ban của Quốc hội và ban thuộc Thường vụ Quốc hội. Bởi lẽ, ủy ban là thiết chế chính trị trong khi bộ máy văn phòng là hành chính. Chủ nhiệm ủy ban Quốc hội là chính khách chính trị, "cái giỏi làm là thẩm định chính sách, xem có đa số không để thông qua chính sách hay không", chứ họ không giỏi kỹ năng điều hành bộ máy hành chính. Chưa kể, nếu chuyển các vụ chuyên môn về các ủy ban thì có cần bộ phận làm công tác tổ chức, lương bổng… thì "bộ máy sẽ tăng rất ghê".

Thách thức lớn nhất là ở con người

Dù thống nhất cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được nhân dân đồng tình, ủng hộ, các chuyên gia cũng cho rằng chắc chắn sẽ có nhiều thách thức. "Đầu tiên là tâm lý bảo thủ, ngại thay đổi, nhất là trước những thay đổi có tính chất cách mạng như tinh gọn bộ máy", TS Nguyễn Sĩ Dũng nhìn nhận. Cạnh đó, việc sắp xếp và tổ chức bộ máy, thực chất là sắp xếp lại lợi ích, phân bổ quyền lực. Chẳng hạn, việc sáp nhập Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính, trước đây, Bộ KH-ĐT nắm giữ quyền lực phân bổ đầu tư công, giờ về với Bộ Tài chính thì "chưa biết thế nào". "Rõ ràng có câu chuyện phân bổ quyền lực, không chỉ là sắp xếp. Chuyện phân bổ quyền lực xưa nay ghê gớm lắm, không phải là vấn đề đơn giản. Đó cũng là thách thức", ông Dũng nói.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đức Hà thảo luận tại tọa đàm "Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Những việc cần làm ngay" do Báo Thanh Niên tổ chức

Nhưng thách thức lớn hơn, theo ông Dũng, là làm sao để chọn được đúng người có năng lực ở lại hệ thống. Nếu không có quy trình đo đếm, đánh giá khách quan minh bạch, lấy phiếu tín nhiệm để chọn thì chỉ những người có kỹ năng chính trị ở lại. Những người có chuyên môn, kỹ năng điều hành, kỹ năng quyết liệt để thúc đẩy công việc trật ra bên ngoài hết. "Không khéo anh thân bộ trưởng anh ở lại, anh giỏi hơn thì ra ngoài. Đây là thách thức rất lớn. Tinh gọn bộ máy sẽ dồn việc rất lớn trong khi người giỏi, chuyên môn lại bị đẩy ra bên ngoài thì ách tắc thể chế rất là lớn, khủng khiếp hơn nữa", TS Dũng đánh giá.

Nhấn mạnh yếu tố cốt lõi "con người", TS Đinh Duy Hòa bổ sung khi triển khai cần làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của bộ máy mới sau khi tinh gọn.

TS Đinh Duy Hòa phân tích chẳng hạn 2 bộ hay 2 sở nhập lại, đương nhiên phải chọn một người đứng đầu. T.Ư Đảng, Bộ Chính trị đã có tiêu chuẩn, điều kiện nhưng trong bối cảnh hiện nay, năng lực hoạch định thể chế, chính sách phải được ưu tiên hàng đầu. "Các bộ mới nhập lại sẽ gồm rất nhiều ngành, lĩnh vực. Trước NN-PTNT đã đa ngành, đa lĩnh vực, giờ lại nhập về TN-MT lại càng nhiều ngành lĩnh vực hơn. Bây giờ chọn 1 bộ trưởng am hiểu tất cả lĩnh vực là không thể, mà nên nhìn vào năng lực hoạch định chính sách", ông Hòa phân tích.

Ngoài ra, theo ông Hòa, các bộ sáp nhập thì cán bộ sẽ dôi ra nhiều. Hai bộ nhập lại, mỗi bộ 5 thứ trưởng, tổng cộng 10 thứ trưởng. Bộ mới thì tối đa cũng chỉ 5 thứ trưởng; thời gian đầu có thể có 7 - 8 thứ trưởng. Rồi xuống dưới nữa là các cục trưởng, vụ trưởng… "Khó nhất là đội ngũ cán bộ, công chức bình thường, vì số lượng lớn. Nếu vẫn xử lý như tinh giản biên chế hiện nay thì khó hiệu lực, hiệu quả. Nếu dĩ hòa vi quý, không làm mạnh, không chấp nhận cắt xén, đau đớn thì không đạt được mục tiêu đề ra. Chỗ này tôi nghĩ là khó khăn nhất", ông Hòa nêu và đề nghị cần có chính sách rõ ràng với từng đối tượng để thực hiện tinh gọn bộ máy.